Thù hận bỏ qua, để yêu thương
Học hạnh vị tha, tâm xả bỏ
Nỗi sầu tan biến hết bi thương...!
Trong cuộc sống hằng ngày thường xảy ra sự xung đột trong các mối qua hệ như tình Thầy trò, vợ chồng, cha mẹ con cái, tình anh em, tình bạn bè…vậy thì làm cách nào để hàn gắn vết thương lòng? Bạn thử tập thực hành nói lời “xin lỗi”.
Khi chúng ta làm một việc gì sai trái khiến đối phương phật lòng, khiến người khác buồn (một lời phê bình, một lời nói không hay, một cử chỉ không đẹp, một hành động xấu…) làm chia rẽ các mối quan hệ thì bạn phải có can đảm trực tiếp nói lời xin lỗi.
Lời xin lỗi này như là một thông điệp mang lại hòa bình tốt đẹp cho cuộc sống. Bạn hãy nói lời xin lỗi: “Mình cảm thấy vô cùng ân hận, vì lúc nóng tính không làm chủ được bản thân nên đã có hành động không đúng với bạn, mong bạn hãy tha thứ và bỏ qua”.
Nhiều người quan niệm rằng xin lỗi như là một hành động thấp hèn nhỏ bé, tự hạ mình trước đối phương - đó là sự khiếp nhược, là một quan niệm đi ngược lại tinh thần của Phật giáo. Như vậy thì chẳng khác nào bạn tự đề cao bản ngã của mình! Nếu ai sống luôn chấp ngã không biết nhận lỗi thì chính người ấy luôn sống trong sự đau khổ, thiếu thốn tình cảm, bị mọi người xa lánh và tâm luôn sống trong sự sân hận và tranh chấp. Tuy nhiên, trong sân khấu của cuộc đời không cho bạn diễn theo ý muốn của bạn. “ Nhân vô thập toàn ”, không ai tự xưng mình là đã hoàn thiện, ngoại trừ các bậc thánh nhân. Quý Ngài có đầy đủ trí tuệ sáng suốt để quán chiếu làm chủ mọi hành động sự việc…quý Ngài không bao giờ tạo tội. Còn chúng ta là hạng phàm phu, tâm trí bị vô minh che đậy, là hành giả đang thực hành tu sửa tâm hạnh, phiền não tham, sân, si vẫn còn làm sao tránh khỏi sự xung đột trong cuộc sống.
Vì vậy, việc chúng ta nhận lỗi và xin lỗi là đối diện trực tiếp với hành động mình tạo ra để sửa đổi đó là hành động tốt đẹp, là đức tính khiêm nhường, là biết dẹp bỏ bản ngã để đưa mọi việc trở về tốt đẹp như cũ. Khi bạn nói lời xin lỗi là bạn đã tu cho chính bản thân mình, bạn đã tự sửa đổi nhân cách đạo đức tốt cho chính bạn để nó được hoàn thiện mỗi ngày. Lời nói “xin lỗi” như là một sức mạnh tinh thần lớn lao, là đức tính khiêm nhường, nó giúp bạn sống thân thiện gần gũi với mọi người và vun đắp lòng yêu thương của bạn.
Trong ánh mắt của cha mẹ, bạn bè và xã hội sẽ nhìn bạn với ánh mắt khen ngợi không phải là một sự khinh bỉ hay xem thường. Vì vậy, “ Ở đời có hai hạng người đáng tôn kính, một người chưa bao giờ phạm lỗi và một người phạm lỗi biết nhận lỗi ăn năn sửa đổi ”. Khi biết hối hận và sửa chữa lỗi lầm thì mọi người sẽ đánh giá bạn cao hơn, đối phương sẽ thán phục cái đức tính của bạn và sẵn sàng bỏ qua những kỷ niệm đau buồn để cuộc sống trở nên tốt đẹp.
Lời nói không là dao mà lòng đau như cắt
Lời nói không là khói mà mắt lại cay cay
Lời nói không là mây mà đưa ta xa mãi
Sao không suy nghĩ lại nói với nhau nhẹ nhàng...!
0 nhận xét:
Post a Comment